Wednesday 9 February 2011

Zona (doi leo) dung va tranh thuoc gi?

Số lượt xem: 72
Gửi lúc 17:40' 27/12/2010

Zona (dời leo) dùng và tránh thuốc gì?

Tiên lượng bệnh zona ở từng người không giống nhau, không nên quá lo lắng nhưng cũng đừng coi thường, cần khám xét, đánh giá cẩn thận để dùng đúng và tránh dùng không đúng thuốc.

Vài nét về bệnh

Virút varicella zoster gây bệnh thủy đậu (varicella) ở trẻ em, sau đó nằm yên trong hạch rễ thần kinh hàng chục năm, khi có cơ hội sẽ gây bệnh zona (herpes zoster). Nếu làm phản ứng huyết thanh thì có khoảng 90% người lớn có bằng chứng nhiễm virút varicella zoster, song chỉ có khoảng 0,15 - 0,3% mắc zona, hàng năm có thêm 0,2% người mắc mới. Tỷ lệ mắc ở người lớn cao hơn người trẻ. Ở người trẻ, bệnh thường lành tính, ít khi để lại di chứng. Ở người lớn, bệnh dễ trầm trọng, thường để lại di chứng. Riêng di chứng đau thần kinh sau zona, người trên 50 tuổi thường có tỷ lệ xuất hiện cao gấp 15 - 25 lần người dưới 30 tuổi.

 Zona
Lúc đầu, người bệnh bị nhức đầu, sợ ánh sáng, khó ở, hiếm khi có sốt, có cảm giác bất thường ở da (ngứa, đau nhói hoặc dữ dội). Khoảng sau 1 – 5 ngày, xuất hiện hồng ban dát sẩn, tiến triển thành các cụm mụn nước trong. Mụn nước có thể rộng ra cả một vùng da (thường thấy một khuôn vuông ở thắt lưng, ở cạnh sườn từ xương sống đến xương ức, bàn chân bàn tay hay một bên mặt da dầu). Điểm đặc biệt là mụn nước chỉ ở một bên, ít khi lan qua vùng ranh giới giữa thân. Trong vòng 3 - 5 ngày lần lượt chuyển qua các giai đoạn: hóa mủ, loét, đóng vảy. Sau chừng 2 - 4 tuần, các tổn thương da sẽ lành song để lại sẹo và thay đổi màu da vĩnh viễn. Tổn thương da thường kéo thành vạt dài, khu trú ở vùng hông, lưng, cổ, đùi, hay bị nhầm với chứng dị ứng do dịch tiết của con dời (một loài bò sát) nên gọi là bệnh "dời leo".

Một số thuốc thường dùng

Nhóm kháng virút

Dùng trong giai đoạn cấp tính.

Thường dùng: acyclovir, valacylovir, famcilovir. Cả ba đều có tính năng tương tự: rút ngắn thời gian bài xuất virút, làm ngừng nhanh sự hình thành tổn thương mới, đẩy nhanh tốc độ liền sẹo, giảm độ nặng của cơn đau cấp. Chúng chỉ có một số khác nhau nhỏ: valacyclovir là tiền chất của acyclovir, sản sinh ra acyclovir trong huyết thanh cao gấp 5 lần acyclovir, nếu uống valacyclovir mỗi 8 giờ một lần 1.000mg sẽ có hiệu quả bằng acyclovir mỗi 4 giờ một lần 800mg. Valacyclovir, famciclovir có cân bằng dược động học tốt, cách dùng đơn giản hơn, được ưa thích hơn.

Một vài chú ý: cần dùng sớm trong vòng 24 - 48 giờ khi có triệu chứng và dùng với liều cao. Acyclovir: một lần 800mg, cách mỗi 4 giờ dùng một lần, mỗi đợt 10 ngày. Valacyclovir: một lần 1.000mg cách mỗi 8 giờ dùng một lần, mỗi đợt 7 ngày. Famciclovir: một lần 500mg, cách mỗi 8 giờ dùng một lần, mỗi đợt 7 ngày. Không dùng dạng thuốc bôi vì không có hiệu quả. Thuốc không gây ra tác dụng bất lợi nào, tuy nhiên với người suy thận cần giảm liều. Chưa có thông tin đầy đủ, vì vậy, không dùng cho người có thai.

Nhóm giảm đau

Triệu chứng đau thần kinh sau zona xuất hiện sau 30 hay 60 ngày sau khi nổi phát ban hay sau khi liền sẹo. Cảm giác đau rất khó chiụ:

nhức nhối, rát bỏng như dao đâm, điện giật. Đau có thể kéo dài nhiều tháng nhiều năm, kèm theo một số rối loạn cảm giác khác nhau, đặc trưng nhất là loạn cảm giác đau (chỉ chạm nhẹ như áo quần bị tiếp xúc với vùng da bị ảnh hưởng cũng có thể gây đau dữ dội). Ngoài ra có thể dị cảm (cảm giác như kim châm xảy ra tự phát), loạn cảm (cảm giác bất thường với các kích thích lên da), có thể kèm triệu chứng trầm cảm. Thuốc có thể dùng riêng hay phối hợp gồm:

Lidocain: dùng dưới dạng thuốc dán 5%, có thể dùng tới 3 miếng dán trong vòng 12 giờ. Thuốc có thể gây kích ứng tại chỗ, ít khi gây độc hại toàn thân. Chỉ được bôi lên vùng da nguyên vẹn.

Kem capsaicin (hoạt chất lấy từ quả ớt): 0,025 - 0,075%, bôi thuốc có nồng độ capsaicin đầu thấp, sau cao. Thuốc gây rát bỏng. Chỉ được bôi lên vùng da nguyên vẹn. Một số người bệnh bỏ dở điều trị vì không chịu nổi rát bỏng.

Amtriptylin, nortripylin: là thuốc chống trầm cảm 3 vòng. Bắt đầu dùng với liều thấp sau tăng cao, chia thành 3 lần uống trong ngày (amitriptylin tăng từ 10mg đến 300mg ngày, nortripylin tăng từ 25mg - 150mg/ngày). Thuốc có thể làm an thần, gây lú lẫn, bí tiểu tiện, hạ huyết áp tư thế, khô miệng, loạn nhịp tim (nên hạn chế dùng cho người cao tuổi).

Methylprednisolon: tiêm vào màng cứng làm giảm đau lâu dài trong 90% các trường hợp. Tuy nhiên, phải tiêm đúng kỹ thuật (tránh nhiễm khuẩn), không nên dùng kéo dài (tránh tác dụng phụ giữ muối nước, giảm sức đề kháng của cơ thể).

Oxycodon: là loại thuốc giảm đau thuộc họ thuốc phiện, có thể gây táo bón, gây nghiện, nếu cần dùng liều từ 5mg - 20mg nhưng nên hạn chế dùng.

Một số thuốc không nên dùng

Thuốc chống dị ứng: zona có các biểu hiện có vẻ giống dị ứng, nhưng không phải là hiện tượng dị ứng, không dùng thuốc chống dị ứng (chlopheniramin, corticoid) mà chậm trễ việc dùng thuốc kháng virút.

Thuốc kháng sinh: zona khi ở giai đoạn hóa mủ loét, trông giống như nhiễm khuẩn nhưng là bệnh do virút nên dùng kháng virút chứ không dùng kháng sinh chống nhiễm khuẩn thông thường.

Thuốc giảm đau thông thường: đau sau zona là đau có nguồn gốc thần kinh. Dùng các thuốc giảm đau thông thường (như các thuốc giảm đau kháng viêm không steroid) sẽ không có hiệu quả, mà phải dùng các thuốc giảm đau liên quan đến thần kinh như nói trên.

Không dùng thảo dược: không có loại thảo dược nào chống lại được virút. Không dùng thảo dược đắp lên tổn thương do zona (dễ gây nhiễm khuẩn nguy hiểm).

Khi bị zona, cần điều trị tích cực bằng thuốc kháng virút nhằm tránh bệnh diễn biến xấu. Khi bệnh chuyển sang giai đoạn đau thần kinh sau zona cần phải nhớ kỹ việc bị bệnh zona trước đó để trình bày với thầy thuốc (nếu đến nơi khám mới), nhằm tránh dùng những thuốc giảm đau không thích hợp. Khi có dấu hiệu bệnh lý về mắt (thường đến muộn) cần đến với thầy thuốc chuyên khoa mắt. Đa số người bệnh (phần lớn là người trẻ) zona chỉ lan tỏa ở da, có 5 - 10% (phần lớn là người cao tuổi) zona có thể gây tổn thương nội tạng (viêm phổi, viêm não, viêm gan, hoại tử võng mạc), có trường hợp dẫn đến tử vong (thường do viêm phổi) nhưng hiếm gặp.

DS.CKII. BÙI VĂN UY


No comments:

Post a Comment