Wednesday 9 February 2011

Tro ve nguon coi

Tags:
Số lượt xem: 98
Gửi lúc 19:50' 18/10/2010

Trở về nguồn cội

Tôi quyết định xin đi Bắc Kạn trước sự ngỡ ngàng của không ít người nơi tôi công tác. Không nói ra nhưng từ sâu thẳm tâm hồn, tôi muốn quay về và làm một điều gì đó cho quê hương - nơi mình đã sinh ra mà ít có dịp quay trở lại!

Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn) hiện ra trước mắt tôi với hai dãy nhà một tầng xinh xắn nằm trong khuôn viên vuông vắn, có cây lá xum xuê xanh ngát tạo cho ta cảm giác rất dễ chịu, nhẹ nhàng. Nghe tôi bảo là người dân tộc Tày lúc đầu không ai tin, các chị nói đùa: "Khi em mới vào cứ tưởng là người nước ngoài ấy". Nhìn thấy tay chị điều dưỡng trưởng khoa bị băng, hỏi ra mới biết chị đi phát cỏ trên nương cách đây 20km trong ngày nghỉ sơ ý chặt phải, chị bảo: "Ở đây không có gì ngoài thu nhập đồng lương, chị phải trồng quýt để có tiền nuôi các cháu vì anh mất  rồi". Tôi như nghẹn lại vì không thể hình dung nổi sự vất vả của đồng nghiệp nơi đây lại đặc biệt đến vậy! Có chăng trong suy nghĩ của chúng tôi chỉ là làm thêm ngoài giờ hoặc chăn nuôi cải thiện chứ theo như chị kể rằng, để tưới cho mỗi gốc quýt chị và các cháu phải gánh nước từ dưới suối lên nương vài trăm mét thì quá vất vả, nhọc nhằn! Mỗi người trong khoa đều có những khó khăn, vất vả chẳng ai giống ai nhưng khi làm việc họ rất chăm chỉ, nghiêm túc, nhiệt tình.

Tranh thủ nắm bắt các mặt bệnh hay gặp ở khoa, tôi thực sự ngỡ ngàng vì bệnh nhân HIV/AIDS rất nhiều, chiếm từ 1/2 - 2/3 số lượng bệnh nhân của khoa, khác hẳn với suy nghĩ của chúng tôi trước đây: một tỉnh nghèo như Bắc Kạn lại có số người nghiện và mắc HIV nhiều như thế! Một buổi chiều, tôi được mời hội chẩn tại khoa thần kinh, một bệnh nhân nam người Tày bị sốt kéo dài, ho nhiều đờm, không hỏi bệnh được mà chỉ nằm li bì, khuôn mặt hốc hác, bơ phờ do vài ngày không ăn uống được gì, qua người vợ, chúng tôi biết chồng chị bị tâm thần đã 10 năm. Sau khi thăm khám cho bệnh nhân, chúng tôi trở về phòng xem hồ sơ bệnh án, tôi nhận định đây là một trường hợp sốt nhiễm khuẩn nặng, không loại trừ nhiễm trùng máu vì có tổn thương gan, phế quản, loét trợt vùng xương cùng. Bác sĩ viện trực tiếp điều trị cho bệnh nhân cứ khẩn khoản nói: "Chị mang bệnh nhân về khoa chị chữa, trường hợp này khó và phức tạp quá em chưa gặp bao giờ!" (Sau này tôi mới biết anh là bác sĩ trẻ mới được điều từ dưới huyện lên). Tôi động viên: "Tôi sẽ cùng anh điều trị bệnh nhân này, nếu thành công anh sẽ có thêm kinh nghiệm và giỏi lên rất nhiều". Tôi hướng dẫn và trao đổi với các đồng nghiệp chế độ chăm sóc cho bệnh nhân từ thuốc men, vệ sinh thân thể đến chế độ dinh dưỡng. Sáng sớm hôm sau, tôi sốt ruột đến khoa thần kinh, gặp anh điều dưỡng trực báo cáo: "Bệnh nhân còn sốt nhưng đỡ nhiều hơn rồi chị ạ". Cả đêm qua tôi luôn canh cánh trong lòng và thầm mong cho bệnh nhân đáp ứng thuốc, nhanh khỏi... Với sự chăm sóc nhiệt tình của tập thể khoa thần kinh, 10 ngày sau, bệnh nhân đã ổn định và ra viện!

Ngày 2/9, khoa chúng tôi tiếp nhận một bệnh nhân nghi bị dại, chị bị chó cắn cách đây 2 tháng rưỡi nhưng không đi tiêm phòng do được ông lang ở trong vùng thử bằng phương pháp gì không rõ, nói là không phải chó dại cắn. Đến khi thấy chị có biểu hiện khó chịu, khác thường, gia đình mới đưa bệnh nhân đi hơn 50km đến bệnh viện. Do lúc đầu các triệu chứng của bệnh dại chưa điển hình nên chúng tôi đã chuyển bệnh nhân về Hà Nội mong rằng bằng xét nghiệm đặc biệt có thể chẩn đoán chắc chắn cho bệnh nhân. Nhưng trên đường đi và tới Viện các bệnh nhiệt đới quốc gia, bệnh nhân lên cơn dại điển hình và tử vong sau 2 ngày. Nghĩ tới người phụ nữ 50 tuổi vừa mất này, chúng tôi cứ băn khoăn, trăn trở mãi: Giá như bản thân bệnh nhân cùng gia đình họ đi tiêm phòng ngay sau khi bị chó cắn, đừng tin một cách mù quáng vào lời nói của một người không có chuyên môn về y tế thì gia đình họ không mất đi một người vợ, một người mẹ như hiện nay!

Đáng tiếc rằng ở thế kỷ 21 này, mặc dù trên thế giới đã có những tiến bộ vượt bậc trong việc sản xuất ra nhiều loại thuốc chữa bệnh cho con người nhưng ở những vùng sâu, vùng xa hẻo lánh như nơi đây vẫn rất cần đến thầy thuốc, những chiến sĩ mặc áo trắng, đến công tác tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu một điều rất sơ đẳng: khi bị bệnh phải đến gặp thầy thuốc...

Ở đây 6 tuần, tôi cố gắng tìm hiểu xem các đồng nghiệp cần gì ở mình và mình giúp họ cái gì và như thế nào cho hiệu quả nhất. Tôi nhận thấy bác sĩ ở đây rất thiếu, như ở khoa truyền nhiễm chỉ có một mình bác sĩ Nông Thị Bình vừa làm trưởng khoa, vừa là người điều trị duy nhất thay cả một bác sĩ trẻ khác đang đi học chuyên khoa I. Các chị rất muốn làm đề tài khoa học mặc dù số liệu đã lấy đầy đủ nhưng công việc hàng ngày quá bận, cộng thêm họ chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này nên gần cuối năm mà chưa tiến hành được bao nhiêu, tôi đã cố gắng vừa làm, vừa hướng dẫn các bước tiến hành, chỉ trong 2 tuần chúng tôi đã nghiệm thu xong đề tài. Nhìn nụ cười của bác sĩ Bình, nhận lời cảm ơn của các anh, chị em trong khoa tôi rất vui và cảm động. Tôi suýt bật khóc khi nghe chị Son - điều dưỡng trưởng nói với tôi rất chân tình: "Sang năm lại mời bác sĩ lên đây giúp bọn chị nhé". Vậy là những công việc tôi đã làm ở đây thực sự có ích! 

Tôi thấy nao nao buồn, trong lòng dâng lên một niềm bâng khuâng khó tả khi ngày chia tay gần tới. Tôi chợt hiểu rằng: Hãy làm hết khả năng mình có thể và bằng cả trái tim, cuộc đời sẽ không quên ban tặng quả ngọt cho ta!

BSCKII. Hoàng Hải Yến



No comments:

Post a Comment