Wednesday 9 February 2011

Dung thuoc trong viem phe quan man

Số lượt xem: 47
Gửi lúc 10:27' 03/01/2011

Dùng thuốc trong viêm phế quản mạn

Viêm phế quản mạn có biểu hiện: ho và khạc đờm, mỗi năm ít nhất 3 tháng (nhưng không nhất thiết liên tục), kéo dài ít nhất 2 năm (nhưng không phải do lao, do nấm phổi, apxe, giãn phế quản).  Có những đợt cấp tính dẫn đến hậu quả giãn phế quản, tắc nghẽn phế quản (gọi là viêm phế quản mạn tính tắc nghẽn) làm giảm thông khí, giãn phế nang, thiểu năng hô hấp, tim phổi mạn...

Nguyên nhân chủ yếu gây tăng tiết ở phế quản là do  Syntyal  respiratory virus (SRV), Myxovius in fluluenze (MVI), Mycoplama pneumoniae. Tuy nhiên các vi khuẩn từ các ổ nhiễm khuẩn ở đường hô hấp trên, răng, miệng, xoang, có thể gây bội nhiễm, tạo nên biến chứng thứ phát của một đợt tăng tiết phế quản cấp tính của viêm phế quản mạn.

Các thuốc chữa triệu chứng 

-Thuốc long đờm: Chất tiết ứ đọng ở phế quản làm trở ngại ở đường dẫn khí. Thuốc long đờm tạo điều kiện để phản xạ ho tống chất tiết ra ngoài làm thông đường dẫn khí. Nếu chất tiết ít nhưng đặc khó tống ra ngoài thì dùng thuốc làm loãng chất tiết như natri benzoat, terpinhydrat. Nếu chất tiết nhiều, đặc, việc làm loãng sẽ tăng thể tích gây khó khăn cho việc thông khí thì dùng các chất khử chứa lưu huỳnh như  acetylstein, carboxystein. Các chất này tác dụng lên pha gel của chất tiết, làm đứt các cầu nối disulfure của các glycoprotein làm thay đổi cấu trúc và hủy chất tiết. Có thể dùng thuốc làm giảm ho nhưng với liều thích hợp, vì liều quá cao sẽ  làm mất hết phản xạ ho, nghĩa là cho việc tống chất tiết bị trở ngại.

- Thuốc kháng viêm: Viêm làm cho việc thông khí bị trở ngại. Dùng corticoid  uống, xông hay hít, trường hợp nặng dùng dạng tiêm để kháng viêm. Lưu ý: với dạng  uống và tiêm chỉ dùng liều vừa đủ hiệu lực trong thời gian ngắn (không quá 10 ngày)  để tránh tác dụng phụ toàn thân  (gây ứ nước, giảm khả năng đề kháng). Với dạng hít thường ít khi gây tác dụng phụ toàn thân, có thể dùng kéo dài hơn, tuy nhiên dùng kéo dài có thể gây bội nhiễm nấm nên sau mỗi lần dùng cần súc miệng họng thật sạch.

- Thuốc chống tắc nghẽn phế quản: Dùng thuốc làm giãn phế quản nhằm giảm sự  tắc nghẽn đường dẫn khí. 

*Theophylin: Tác dụng chính làm  giãn phế quản nên giảm sự khó thở. Tác dụng phụ làm lợi tiểu, tim đập nhanh, kích thích thần kinh. Dùng liều điều trị vừa đủ sẽ tận dụng tác dụng chính, dùng liều cao sẽ bị các tác dụng phụ. Khoảng cách giữa liều có hiệu lực và liều độc ngắn, nếu dùng  không khéo dễ bị ngộ độc.

Các thuốc kháng cholinergic (thường dùng là ipratropium): Ipatropium kháng cholinergic không chọn lọc trên cả thụ thể M1-M2-M3, gắn với các thụ thể này trong  thời gian ngắn, thời gian bán hủy ngắn (01giờ) nên hiệu lực chỉ kéo dài 6 giờ. Tùy theo mức nghẽn phế quản (dài hay ngắn) mà dùng, nhưng nếu nghẽn  phế quản kéo dài thì phải dùng mỗi ngày 4 lần. Thường dùng loại  xông, hít hay khí dung. Vì là thuốc kháng cholinergic nên ipratropium  gây khô miệng, triệu chứng tiền liệt tuyến (hay gặp), có thể bị biến chứng tim mạch, tăng huyết áp (nhưng ít gặp hơn).

Phế quản bình thường (hình trên) và phế quản bị viêm (hình dưới)

Các thuốc chủ vận beta 2:

  Kích thích thụ thể beta- 2 adrenergic dẫn đến  giãn cơ trơn, chống co thắt phế quản, làm thông đường thở. Loại tác dụng ngắn như salbutamol, terbutalin, fenoterol (khởi phát hiệu lực sớm,ít độc). Loại có tác dụng dài như salmeterol, formoterol (làm giãn phế quản chắc chắn, tiện vì dùng ít lần trong ngày). Tùy theo mức nghẽn phế quản (dài hay ngắn) mà chọn một trong hai loại. Dùng dạng  hít xông qua mũi miệng (khởi phát hiệu lực nhanh, kịp thời cắt cơn nghẽn phế quản). Nhóm này có tác dụng phụ: làm tăng nhu cầu tiêu thụ oxy khi nghỉ, gây nhịp tim nhanh lúc nghỉ, rối loạn nhịp tim, run tay, hạ kali máu.  Không nên dùng loại uống vì hấp thu chậm, khởi phát hiệu lực muộn (không đáp ứng kịp thời cắt cơn nghẽn phế quản), phải dùng liều cao hơn, dễ gây kích thích tim mạch, kích động, run cơ, nhức đầu.

Các thuốc kháng vi khuẩn

Tùy mức nguy hiểm và độ nặng do chủng vi khuẩn gây ra mà có thể dùng kháng sinh thông thường hay kháng sinh mạnh, dùng một hay phối hợp 2 kháng sinh.

Tùy mức nguy hiểm và độ nặng do chủng vi khuẩn gây ra mà có thể dùng kháng sinh thông thường hay kháng sinh mạnh, dùng một hay phối hợp 2 kháng sinh. Mỗi đợt dùng nếu thể nhẹ 8-15 ngày, nếu thể nặng kéo dài 4-6 tuần.

+ Nếu mầm bệnh là  S. pneumoniae (đây là vi khuẩn gram dương, kị khí)  là nguyên nhân chính gây viêm phổi đồng thời gây ra nhiều bệnh khác, nhất là viêm màng não nhiễm khuẩn thì chọn theo thứ tự độ mạnh một trong 3 kháng sinh sau tùy sự đáp ứng: benzylpenicilin, ceftriazon, và imipenem.

+ Nếu mầm bệnh là  H . influenzae (vi khuẩn hình que, thuộc gram âm, hiếu khi,  nhưng  cũng có thể sống trong môi trường kị khí): đây không phải là nguyên nhân gây ra cúm, nhưng thường gây bội nhiễm khi bị cúm và chịu nhiều trách nhiệm trong việc gây ra triệu chứng khi bị cúm. Sau  S. pneumonia, nó là vi khuẩn chủ yếu thứ hai  gây viêm phổi. Dùng ampicilin (tiêm tĩnh mạch) hoặc dùng augmentin (amoxicilin + acidclavulani) dùng uống. Acid clavulanic ức chế enzym gây kháng thuốc và  tăng  hiệu lực của amoxicilin.

+ Nếu mầm bệnh là Branhamella (Mo raxella) catarrhalis: Là vi khuẩn gây nên viêm phế quản, viêm phế quản-phổi, viêm thanh quản, viêm xoang. Với người hút thuốc lá nó là tác nhân phối hợp quan trọng gây COPD. Dùng augmentin (như với trường hợp H. Influenzae) phối hợp với erythromycin (truyền tĩnh mạch) hoặc dùng augmentin (như trên) phối hợp với  cefaclor (uống). Cefaclor thuộc nhóm cephalsporin thế hệ 1.

+ Nếu mầm bệnh là Enterobacteriaceae; Dùng gentamycin (tiêm bắp)  phối  hợp với  norfloxacin (uống).

+ Nếu mầm bệnh là Pseudomonas aeruginosa: Đây là trực khuẩn mủ xanh, thuộc Gram âm (-) hiếu khí, song có thể tùy nghi tồn tại  tăng sinh trong điều kiện kị khí. Nó có thể tăng sinh trong điều kiện yếm khí bằng cách sử dụng nitrat như là chất nhận điện tử cuối cùng, nhưng ngay cả khi thiếu nitrat chúng cũng có thể lên men arginin bằng cách phosphoryl hóa ở mức cơ chất. Vì thế nó có thể sống ở mọi nơi kể cả ở  dụng cụ y khoa, có thể nhiễm vào da hay các bề mặt  các bộ phận khác khác trong cơ thể động vật, người (kể cả trường hợp bị viêm phổi xơ nang, vi khuẩn bị lớp anginat dày bao lấy). Vi khuẩn này sinh sống nhờ vào chất dinh dưỡng của cơ thể và làm suy giảm miễn dịch cơ thể, gây viêm nhiễm và nhiễm khuẩn huyết. Nếu xâm nhập vào cơ quan thiết yếu của cơ thể như phổi, thận, đường tiết niệu, sẽ gây ra hậu quả chết người. Vì vậy cần dùng gentamycin (tiêm bắp) phối hợp với ticarcillin (truyền tĩnh mạch) hoặc dùng gentamycin (như trên) phối hợp với imipenem (truyền chậm tĩnh mạch). Ticarcillin là carboxypenicilin có phổ kháng khuẩn rộng hơn và mạnh hơn peniclicillin. Imifenem là một kháng sinh thuộc nhóm kháng sinh phổ rộng mạnh carbapenem, chống lại các vi khuẩn hiếu khí và kị khí thuộc cả gram âm và gram dương, được dùng  khi bị nhiễm các vi khuẩn đa kháng, là một kháng sinh chống P aeruginosa hiệu quả.

+ Nếu mầm bệnh là Klebsiella pneumonia: Là vi khuẩn Gram âm (-), kỵ khí, thường có ở ruột, da,  miệng, khi có điều kiện thì phát triển gây viêm phế quản, viêm  phổi. Nó có mặt nhiều trong bệnh viện, là vi khuẩn gây nên viêm phổi mắc phải bệnh viện. Bị nhiễm Klebsiella pneumoniae được coi là nguy hiểm, cần dùng gentamycin (tiêm bắp) phối hợp với ceftriaxom  (tiêm tĩnh mạch). Ceftriaxon là kháng sinh thuộc nhóm cephalosporin thế hệ 3.

+ Nếu mầm bệnh là staphylococcus aureus (tụ cầu vàng): Gây ra nhiều bệnh trên các hệ cơ thể, riêng hệ hô hấp  gây  viêm phế quản, viêm phổi hoại tử, apxe phổi biến chứng tràn khí màng phổi,  tràn  khi trung thất, tràn khí dưới da, tràn mủ màng phổi. Đặc biệt còn gây ra nhiễm khuẩn máu, chúng tiết vào ruột các loại độc tố và độc tố này vững bền không bị phá hủy bởi nhiệt độ cao. Chúng tiết ra enzym betalactamase có khả năng phá hủy các kháng sinh betalactam thế hệ đầu như penicilin. Do  đó cần dùng các loại  kháng sinh bền vững như methicilin, oxaciclin không bị  enzym betalactamase phá hủy. Cụ thể dùng methicilin  hay oxaciclin (tiêm tĩnh mạch)  phối hợp với gentamycin (tiêm bắp). Trước khi dùng thuốc, cần lấy mẫu bệnh phẩm làm kháng sinh đồ. Sau khi dùng 3-4 ngày, nếu thấy đáp ứng tốt thì tiếp tục dùng các  thuốc này, nhưng nếu thấy không đáp ứng thì dùng theo kết quả  kháng sinh đồ . 

Viêm phế quản mạn khá nguy hiểm, nhất là những đợt bị bội nhiễm, cần được điều trị tích cực.

 DSCKII. Bùi Văn Uy


No comments:

Post a Comment